Một vài thông tin về sách:

Quốc gia: Nhật Bản

Tác giả: Higashino Keigo

Thể loại: Kì ảo – Giả tưởng

Nhà xuất bản: Nhã Nam

Người dịch: Phương Nam

Tác giả Higashino Keigo nổi tiếng về đề tài trinh thám, với nhiều giải thưởng lớn về các tác phẩm thuộc đề tài này nhưng cuốn sách đầu tiên mình đọc của ông lại là kì ảo và giả tưởng. Nghĩ lại có vẻ hơi ngược đời nhưng về sau có lẽ mình sẽ tìm đọc thêm nhiều tác phẩm của ông vì mình cũng khá mê các loại phim, truyện trinh thám.

Quay lại với nhân vật chính ngày hôm nay.

Nói về tiệm tạp hóa, đây là cửa tiệm của ông già Namiya ở một thị trấn tỉnh lẻ của Nhật Bản. Lũ trẻ con trong thị trấn hay đọc chệch tên tiệm thành Nayami (nghĩ là: điều phiền muộn), rồi bọn chúng lại hay hỏi ông những khúc mắc của mình nên ông đã trở thành tư vấn viên bất đắc dĩ từ đợt đó. Ban đầu chỉ là những câu nhờ tư vấn tào lao của bọn trẻ con và dần dần là những lời nhờ tư vấn nghiêm túc. Dần dà ông xem đây như một phần không thể thiếu của cuộc sống và cũng rất nghiêm túc với lời tư vấn của mình.

Đọc thêm nhiều bài viết hay khác: Sachvui | những quyển sách nên đọc 2019



Cuốn sách gồm 5 chương, mỗi chương là một câu chuyện khác nhau, xảy ra vào những thời điểm cũng hoàn toàn khác nhau. Tuy vậy, chúng được kết nối với nhau bởi tiệm tạp hóa Namiya và lời tư vấn của tiệm bằng cách này hay cách khác. Tại sao lại bằng cách này hay cách khác? Bởi có những lời tư vấn không phải đến từ chính ông Nayami mà từ những “vị khách không mời” đến tiệm của ông.

Qua lời văn của tác giả, tiệm tạp hóa hiện lên như một cỗ máy thời gian, liên kết hiện tại – quá khứ – tương lai. Và đó chính là yếu tố kì ảo – giả tưởng của câu chuyện. Những bức thư của quá khứ được gửi ngược đến tương lai và ngược lại, những bức thư từ tương lai được ông Namiya biết trước sẽ đến tay mình, thông qua khe sắt ở cửa cuốn. Và những bức thư và tâm tình của chủ nhân chúng đã chắp nối những câu chuyện tưởng chừng hoàn toàn riêng rẽ thành một kết cấu chặt chẽ, gây bất ngờ từ đầu đến cuối.

Đọc đến gần cuối câu chuyện, mình lại còn nhận ra có một sợi dây liên kết khác giữa các câu chuyện: Trại trẻ Marumitsu. Không phải tự dưng mà những đứa trẻ sống ở trại trẻ Marumitsu lại tìm đến tiệm tạp hóa; hay những người từng đến tiệm để xin tư vấn lại quen biết với trại trẻ. Tất cả những sự trùng hợp đó có lẽ là mối lương duyên đã được an bài: tình yêu dở dang của 2 con người đi trước, để lại tình thương gửi tới thế hệ sau?

Câu văn mình thích nhất trong truyện là lúc ông Namiya tâm sự với con: “… câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi.” Con người chúng ta ai cũng có những khúc mắc trong lòng và có lúc sẽ cần đến người để tham khảo, tư vấn. Chúng ta đứng giữa ngã ba đường và phân vân không biết đi đâu nên đã hỏi người xung quanh. Nhưng dù có thế nào thì chắc chắn trước đó sâu trong tâm trí đã tự có câu trả lời, chỉ là chúng ta chưa dám đối mặt với nó. Việc xin thêm lời tư vấn hay lời khuyên cũng chỉ là một liệu pháp tâm lí, điều quan trọng là lòng ta có vững hay không trước những lựa chọn….

Tuy kết cấu chuyện lồng chuyện, phải nhớ tên nhân vật để bỗng chốc khi đọc đến một dòng nào đó mình phải “à” lên là họ đã xuất hiện trước đó, nhưng câu chuyện lại rất dễ đọc. Mỗi câu, mỗi dòng tả cảnh vật mình đều có thể dễ dàng tái hiện trước mắt. Tâm trạng nhân vật không hề phức tạp mà khá gần gũi.