Được mệnh danh là “minh chứng sống” của lịch sử với tuổi đời trải dài hơn 10 thế kỉ, Hoàng Thành Thăng Long được coi là khu di tích lịch sử bậc nhất tại Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về khu di tích có bề dày lịch sử này nhé!

Hoàng Thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam.

Với diện tích hơn 18000ha, Hoàng Thành Thăng Long bao gồm nhiều di tích lịch sử quan trọng, trong đó phải kể đến khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu và các di tích nổi bật trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, Bắc Môn, Cửa Đoan, nhà D67…


Khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu
Khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu sau khi được khai quật đã phát hiện được rất nhiều các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn, chồng xếp lên nhau qua suốt 1300 năm, điều đó thể hiện một ý nghĩa vô cùng to lớn: nước Việt Nam ta có một bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời được nối tiếp từ đời này sang đời khác, khó có nước nào có thể sánh kịp.


Bạn có thể thấy rõ được từng lớp lịch sử của Việt Nam qua các tầng lớp của khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Lớp dưới cùng là hệ thống kiến trúc thuộc thời Tiền Thăng Long với hệ thống các cột gỗ, di vật như gạch “Giang Tây quân”, ngồi đầu ngói ống trang trí hình thú thần…. Lớp trên kiến trúc thời Đại La là dấu vết kiến trúc thời Lý – Trần biểu hiện rõ qua hệ thống mặt bằng kiến trúc các loại hình di vật trang trí tên mái kiến trúc có kích thước to lớn và được trang trí cầu kì, tinh xảo. Phía trên cùng là lớp kiến trúc thời Lê với dấu tích của các nền kiến trúc xây bằng gạch vồ, các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp trên mái cung điện của nhà vua.


Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu này là một tài sản vô giá của lịch sử và văn hóa Việt Nam nói chung và của lịch sử – văn hóa Thăng Long – Hà Nội nói riêng.

Điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, trước điện Kính Thiên là Đoan Môn rồi tới Cột cờ Hà Nội, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và mở cửa nhỏ. Điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.


Điện Kính Thiên là một kiến trúc gỗ gồm 2 nếp hình chữ Nhị trong tiếng Hán. Nhà làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với các góc đao cong. Bờ nóc của cả hai nếp nhà đều đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Quanh điện có sân rộng được xây lan can bao cả 4 phía.


Đặc biệt, trong Điện có Rồng đá là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.

Bắc Môn
Bắc Môn hay có tên gọi dân gian là Cửa Bắc, là công trình do nhà Nguyễn xây dựng gồm phần lầu ở trên còn phần thành ở dưới. Phần lầu được dựng bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng; phần thành được xây dựng kiên cố hơn bằng đá và gạch, chân kè bằng đá, cổng thành cũng được cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên gạch ngang xen một viên đặt dọc.


Bắc Môn được xây dựng nhằm cản lại sự tiến công của địch, tuy nhiên thành lại không giữ được trước sức mạnh đạn pháo của quân đội Pháp. Nếu để ý, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy phía ngoài Bắc Môn vẫn còn lưu lại dấu vết 2 pháo đạn thần công của Pháp khi chúng dùng chiến thuyền tấn công thành Hà Nội từ phía bờ sông Hồng.


Khác với những bảo tàng tại Hà Nội, đến với Hoàng Thành Thăng Long bạn sẽ được chụp ảnh khá thoải mái, chỉ cần bạn không tạo ra tiếng ồn ảnh hưởng đến những người tham quan khác và có những hành vi thiếu lịch sự như viết, vẽ bậy lên các di tích lịch sử…

Hoàng thành Thăng Long không mở cửa vào thứ hai, các bạn có thể đi vào các ngày khác trong tuần, với giá vé là 30k/người lớn. Học sinh, sinh viên, người cao tuổi được giảm giá 15k/người, đặc biệt các em dưới 15 tuổi và những cô bác có công với cách mạng được miễn phí vào cửa.


Hoàng Thành Thăng Long được bao bọc bởi 4 con đường: phía bắc là đường Phan Đình Phùng, phía nam là đường Điện Biên Phủ, phía đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía tây là đường Hoàng Diệu. Vì vậy rất thuận tiện cho bạn đi lại, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô, hoặc bằng xe buýt với các tuyến xe chạy qua là 22, 29…


Nếu có cơ hội đến chơi Hà Nội thì bạn đừng cỏ lỡ dịp được ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long để hiểu thêm về bề dày lịch sử của dân tộc ta nhé!

View more random threads: